Cuối năm 2017, chị Thúy, một thương nhân ở Lào Cai, cùng một anh bạn làm nông nghiệp ở Lào sang Trung Quốc tìm đối tác, ghé thăm trang trại trồng thanh long Langwan (ngay sát đường cao tốc G80, cách biên giới Việt Nam khoảng 200km) của tập đoàn nông nghiệp Quảng Tây Jinsui ở thị trấn Natong, quận Long An, thành phố Nam Ninh.
Tại đây, chị Thúy kể đã chứng kiến những trang trại trồng thanh long rộng lớn với quy mô lên tới nghìn héc-ta, được đầu tư rất bài bản.
Các nhà xuất khẩu thanh long của Việt Nam nói rằng đã biết chuyện Trung Quốc đang trồng rất nhiều thanh long để cạnh tranh với Việt Nam từ năm 2013.
Theo ông Mai Xuân Thìn - CEO Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, các đối tác của ông cho biết có những thương nhân Trung Quốc đầu tư những trang trại thanh long lớn đến 3.000 - 5.000ha tại nước này.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu 80 - 90% thanh long Việt Nam, nhưng trong thời gian qua đã phát triển loại cây này một cách rất nhanh chóng. Năm 2011, theo báo Nông thôn Nam Phương, Trung Quốc mới chỉ có 3.400ha trồng thanh long, đến nay đã gần 40.000ha và các dự báo cho thấy với đà này sẽ có thêm 34.000 - 68.000ha thời gian tới.
Quảng Tây là vùng trồng thanh long lớn nhất nước này với gần 15.300ha (chiếm gần 40% Trung Quốc), dự kiến đến năm 2020 diện tích sẽ tăng lên đến 18.000ha, sản lượng vượt 500.000 tấn.
Các tỉnh kế cạnh như Quảng Đông, Quí Châu, Phước Kiến, Vân Nam cũng trồng không ít thanh long và loại trái cây này còn được mở rộng cả sang các tỉnh Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Sơn Tây, Chiết Giang, Sơn Đông…
Theo Nông thôn Nam Phương, các vùng trồng thanh long qui mô lớn có giá ổn định, giá thu mua tại vườn hiện bình quân 6 - 8 NDT/kg (1 NDT = 3.300 đồng) và khi đến tay người tiêu dùng Bắc Kinh giá thấp nhất 21 NDT/kg.
Cũng tờ báo này cho biết chuyện ông Lý ở Bắc Hải, Quảng Tây đang tìm thuê đất để mở rộng diện tích, hiện nay 17ha thanh long của ông mỗi mẫu (khoảng 666m2) cho doanh thu 8.000 - 15.000 NDT.
Theo ông Lý, giá thành mỗi mẫu 12.000 - 15.000 NDT, sản lượng 500kg, giá bình quân 7 NDT/kg, năm đầu có thể thu hồi 30% vốn, đến năm thứ 3 là có lãi.
Dù vậy, sự phát triển ồ ạt thanh long không phải lúc nào cũng mang lại niềm vui cho người trồng thanh long. Vào tháng 7 năm nay, giá thanh long ở Quí Châu giảm còn 3,3 NDT/kg, theo Nhân dân nhật báo.
Trong khi Việt Nam tiếp tục là nhà xuất khẩu thanh long ruột trắng lớn nhất của Trung Quốc thì những trang trại thanh long ruột đỏ đã bắt đầu mọc lên tại các tỉnh phía đông nam Trung Quốc như Quảng Đông, Chiết Giang, Quảng Tây.
Tháng 6-2017, tại Quảng Đông, lần đầu tiên lễ hội thanh long đã được tổ chức, không phải do chính quyền sắp xếp mà là do một nông dân có tên Chen Lianghua đứng ra lo liệu.
Chen là người đã nghiên cứu và áp dụng thành công công nghệ mới khi tạo ra ánh sáng gần giống như ánh nắng áp dụng vào trang trại thanh long của mình, và tuyên bố sản phẩm của mình "ăn đứt chất lượng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam".
Điều đáng lo là mùa thu hoạch thanh long ruột đỏ ở Trung Quốc kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, khá giống với mùa vụ ở Việt Nam khiến sự cạnh tranh càng thêm phần khốc liệt.
Trong cuộc đua đó, thanh long Việt Nam đã gặp bất lợi ngay từ đầu về việc giữ độ tươi ngon và chi phí vận chuyển, chưa nói đến vấn đề chất lượng và nhu cầu thực tế của thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-quoc-o-at-trong-thanh-long-canh-tranh-voi-viet-nam-20181016161930278.htm